Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre (11/01/2013) | Lượt xem: 9537 lượt
TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA MÃ BẾN TRE
Sau tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại họ đạo Cái Sơn, ảnh Mẹ được đưa về lại nhà thờ La Mã – vẫn là ngôi nhà mái lá vách phên. Lúc nầy ảnh Mẹ ngày càng rõ nét và sắc sảo hơn, khuôn mặt của hai thiên thần và nếp áo buông rũ của Mẹ hiện ra rõ rệt và màu sắc sống động.
Tin về Đức Mẹ với những dấu lạ đồn ra khắp nơi, nên người ta tuôn đến La Mã xin ơn Đức Mẹ đông đảo vô cùng. Nhiều người đã tuyên bố mình đã nhận được phép lạ tỏ tường, trong số họ có nhiều người chưa theo đạo Chúa. Họ La Mã trước đây có khoảng 50 giáo dân, nay đã vượt quá 500 người, trong số đó có ông Khá, một người lái đò bị hư mắt, xin ơn Đức Mẹ và được chữa lành. Ông trở lại đạo và tiếp tục là người lái đò của Đức Mẹ để đưa khách hành hương qua sông.
Ngày 12.1.1952, Đức cha Phêrô Mactino Ngô Đình Thục đã âm thầm đến nhà thờ La Mã. Sau khi được cha Phêrô Dư thuật lại sự việc xảy ra vào ngày 15. 8.1951 tại Cái Sơn về sự việc ảnh Mẹ ngày càng lộ hình, cũng như biết bao ơn lành hồn xác mà Mẹ đã ban cho những ai đến cầu xin cùng Mẹ.
Sau đó, Đức cha đã quyết định lập một ủy ban gồm có các linh mục triều và dòng, để cứu xét về “Sự lạ La Mã”.
Một tháng sau, vào ngày 11. 2. 1952, Đức cha Phêrô Mactino đã ban một Huấn lệnh với nội dung như sau:
“Dù bề trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà Ta không cấm bổn đạo đến viếng nhà thờ ấy, miễn là vâng phục lý đoán Hội thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch ăn chơi sung sướng.
Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng giáo sĩ cho đến bổn đạo thường – tuy không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu.
Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện, thì ít là thức một giờ làm giờ Thánh, hay là lần hạt Mân côi. Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi Thánh.
Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.
Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn Thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.
Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí tích thì Ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong địa phận mình cũng được giải tội ở La Mã
Sau hết Ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho cha bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ ban cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay cha sở La Mã.
Làm huấn lệnh nầy tại Vĩnh Long ngày 11. 2. 1952, cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.
Ký tên
Phêrô Mactino Ngô Đình Thục
Giám mục Vĩnh Long.
Sau khi huấn lệnh của ĐGM Vĩnh Long cho phép kính viếng ảnh Mẹ. Trong đó ngài khuyên nhủ khi đi hành hương nên ăn chay, hãm mình, lần hột, chịu các phép bí tích và sẵn sàng làm chứng về những ơn lành của Mẹ ban cho, thì làn sóng hành hương bắt đầu tuôn đổ về La Mã. Giáo dân từ nhiều nơi, nhất là Sài Gòn lặn lội tìm về chiêm ngưỡng và cầu xin ơn Mẹ.
Ngày 20.10.1952, theo quyết định của uỷ ban cứu xét về “Sự lạ La Mã”, linh ảnh Mẹ được đưa về nhà thờ Cái Bông để bắt đầu mở cuộc điều tra. Những người có liên hệ được mời đến làm chứng, những ai nhận được ơn Đức Mẹ cũng được mời để tường thuật lại. Hồ sơ điều tra được phúc trình về Tòa thánh.
Trong dịp này, Đức cha Phêrô Mactino Ngô Đình Thục, Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long đã chọn La Mã là trung tâm hành hương “ Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.” Đức cha cũng bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Hữu Dư – nguyên cha sở họ Cái Sơn – chính thức nhận nhiệm sở họ La Mã.
Sau nhiều năm tháng dày công chuẩn bị và xây dựng, ngôi nhà thờ mới La Mã đã hoàn thành có chiều dài 35m, chiều ngang 16m và tháp chuông cao 19m. Trong ba ngày 12, 13, 14 tháng Giêng, năm 1957, lễ khánh thành thánh đường La Mã được cử hành trọng thể với sự tham dự của năm vị Giám mục và hàng trăm Linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng vạn bà con lương giáo từ khắp nơi đổ về. Đức Mẹ La Mã Bến Tre trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu.
Tại đoạn sông nơi bà Sáu Liền vớt được ảnh Mẹ, vị trí nầy nằm về hướng trước mặt nhà thờ La Mã. Tại đây một đài kỷ niệm được xây lên trên dòng sông có ghi hàng chữ “Nơi gặp ảnh Mẹ”. Đài nầy hiện nay theo thời gian đã bị vùi lấp dưới dòng sông và không còn dấu tích.
Tại khu đất sát bờ sông La Mã, nằm về hướng phía sau nhà thờ La Mã, nơi căn nhà xưa kia ông Câu Hạt và người con trai út tên Trọng đã chứng kiến phép lạ ảnh Mẹ Lộ Hình vào ngày 5. 5. 1950, có một đài kỷ niệm Đức Mẹ Lộ Hình. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn có khách hành hương đến tham quan và kính viếng.
Trung tâm hành hương Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre thường xuyên đón tiếp khách hành hương từ khắp nơi tuôn đổ về để kính viếng và xin ơn Đức Mẹ.
Hằng năm, giáo phận Vĩnh Long và họ đạo La Mã có tổ chức 2 ngày đại lễ như sau: Ngày 5. 5. là ngày kỷ niệm tìm đươc ảnh Mẹ và ngày 7. 10. là ngày kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình.
(Tìm hiểu và tổng hợp)
Antôn P. Nguyễn Thanh Sơn