Tin Lành và Công giáo (11/01/2013) | Lượt xem: 5439 lượt
NHỮNG HÒA ÐỒNG
Tinh thần hòa giải và hòa hợp hởi đi từ đầu thế kỷ XX đã đưa các giáo hội đến gần nhau hơn, không những chỉ qua lời nói và cử chỉ thân mật bề ngoài, nhưng cả trong thực hành nữa. Những bất đồng giữa Công Giáo và Tin Lành đã thực sự được thu hẹp hơn. Ðặc biệt trong những thập niên sau công đồng Vatican II, thánh lễ đã được cử hành bằng các ngôn ngữ địa phương. Nội dung các bài giảng đã được chuẩn bị và chú trọng cách đặc biệt. Phần tham gia của các tín hữu (đáp ca, thánh ca) cũng được để ý và phát triển hơn. Giáo dân đã tham gia nhiều hơn vào các công tác phụng vụ và mục vụ. Ở nhiều nơi, giáo dân đã chịu Mình Thánh qua cả hình Bánh và hình Rượu như linh mục. Các Thày Sáu Vĩnh Viễn, thường là những người đã lập gia đình, được kể vào hàng giáo sĩ và có quyền giảng, rửa tội, ban phép hôn phối và cử hành nghi thức an táng… Một chiều hướng mục vụ đặc biệt dành cho các cặp hôn nhân giữa Công Giáo và Tin Lành cũng đã được đề cập tới.
Mặt khác, đã có nhiều anh em Tin Lành nhìn lại vai trò của Ðức Mẹ trong đời sống của các Kitô hữu cách nghiêm chỉnh hơn. Họ cũng thay đổi nhãn quan về vai trò và quyền bính của Ðức Giáo Hoàng. Các nhà thần học Công Giáo và Tin Lành đã hội họp với nhau và tìm ra rất nhiều lãnh vực tương đồng giữa các giáo hội mà trước đây người ta đã không nghĩ tới.
Sau khi nhấn mạnh rằng phép Rửa Tội “tạo nên mối giây hiệp nhất tất cả những người đã được tái sinh.” (Sắc Lệnh Hiệp Nhất, ibid. III, 22), các nghị phụ công đồng đã khảo sát đời sống Kitô hữu của các anh em Tin Lành: “Ðời sống Kitô hữu của các anh em ấy được nuôi dưỡng bằng Ðức Tin vào Chúa Kitô và được duy trì nhờ ân sủng của phép Rửa Tội và nhờ nghe Lời Chúa; đời sống ấy biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Kinh Thánh, trong đời sống gia đình Kitô giáo, trong việc phụng sự của cộng đoàn tụ hợp để ngợi khen Thiên Chúa.” (ibid.)
Với “con cái trong nhà” các nghị phụ đã ân cần nhắc nhở: “Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ, theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người Công Giáo hãy nhận ra những dấu chỉ thời đại, hãy khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất này.” (ibid.I,4).
LM. Phaolô Nguyễn văn Tùng (7 Jan 2011)
Trang: 1 2