Tin Lành và Công giáo (11/01/2013) | Lượt xem: 5470 lượt
NHỮNG BẤT ÐỒNG
Người ta có thể chia những bất đồng giữa giáo hội Công Giáo và các giáo hội Tin Lành thành hai loại chính: Những bất đồng căn bản và những bất đồng “tai nạn.”
Các bất đồng tai nạn đã xảy ra theo thời gian và hoàn cảnh địa phương, nhu cầu kỷ luật, biến thiên lịch sử, hội nhập văn hóa mà các giáo hội cảm thấy hữu ích và chấp nhận. Những điều đó đã trở thành cá tính của một giáo hội Tin Lành. Trong trên 300 giáo hội Tin Lành khác nhau, đã không có giáo hội nào hoàn toàn giống giáo hội khác.
Tuy nhiên, chỉ những bất đồng căn bản mới thực sự là những trở ngại chính cho công cuộc hiệp nhất. Các Kitô hữu đã tin rằng con người khi được tạo dựng đã hoàn hảo, nhưng vì xử dụng tự do cách sai lầm nên đã bất tuân lệnh Chúa và sa ngã.
1. Con người sau tội tổ tông (Justification)
Bất đồng đầu tiên giữa Công Giáo và Tin Lành khởi đi từ quan niệm về bản tính của con người sau khi đã sa ngã. Người Công Giáo tin rằng: Sau khi sa ngã, những sung mãn của bản tính và ân sủng của con người đã bị suy yếu. Những ơn Chúa ban cho ông bà Nguyên Tổ trong vườn địa đàng đã bị mất hết. Những ơn đó là ơn siêu nhiên, sự bất tử của thân xác, sự vẹn toàn và không phải đau khổ. Nếu không có ơn Cứu Chuộc, con người sẽ không tự mình tìm đến Nhan Thánh Chúa được. Nhưng bản tính tiên khởi của con người vẫn còn.
Trong khi đó, ông Luther (Lu-Te) lại cho rằng sau khi sa ngã, con người đã mất hết. Tất cả những gì con người làm, kể cả việc thiện, đều gây phiền toái cho Chúa và không có ơn ích gì cả. Sự công chính hóa (justification) chỉ bởi đức tin mà thôi và ơn cứu chuộc là do Chúa ban cách riêng chứ con người không thể tự hưởng bằng những việc lành. Thuyết công chính hóa bởi đức tin đó đã đưa đến ba nguyên tắc khác: Chối bỏ việc con người có lòng muốn tự do (free will), chỉ có công chính hóa ngoại tại, và chối bỏ sự hữu ích của mọi việc thiện.
Ngược lại, người Công Giáo tin rằng con người có toàn quyền xử dụng lòng muốn tự do của mình, ngay cả việc từ chối ơn Chúa ban. Sau khi được công chính hóa toàn diện (bởi đức Tin và Phép Rửa) mọi việc thiện của con người đều nên công trạng. “Ðức tin nếu không có việc làm là đức tin chết.”
2. Ðức tin
Tin Lành: Ðức tin là tác động tối thượng, tin vào Chúa rằng Ngài sẽ cứu ta khỏi hỏa ngục và “che đậy” mọi tội lỗi của ta (Ngài chỉ che đậy chứ tội lỗi vẫn luôn luôn còn). Do đó, đức tin trở nên một hành động của lòng muốn và tình cảm.
Công Giáo: Ðức tin là một sự đồng ý với ơn Chúa mạc khải. Thí dụ: Khi Chúa Kitô nói phép rửa tội thì cần thiết để được cứu rỗi. Chúng ta chấp nhận câu tuyên bố này vì chúng ta tin vào Ngài. Ðức tin đối với người Công Giáo là một hành động của trí khôn.
3. Kinh Thánh
Tin Lành: Kinh Thánh có quyền tôn giáo tối thượng. Không chấp nhận những khẩu truyền kể từ sau thời các thánh Tông Ðồ.
Công Giáo: Chúa Kitô chỉ giảng dạy chứ không viết Kinh Thánh và tự bộ Kinh Thánh đã không được quyền tôn giáo tối thượng. Từ chối khẩu truyền là tự tiện và độc đoán.
Ðối với Tin Lành, mọi người đều có quyền và bổn phận diễn giải Kinh Thánh theo ý mình hiểu. Sự kiện này đã là nguyên nhân đưa đến việc phân chia giữa các giáo hội Tin Lành thành hàng trăm giáo hội khác nhau. Trong khi đó, Công Giáo tin rằng Giáo Hội dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Linh, là cơ quan duy nhất có quyền diễn giải Kinh Thánh. Ðể am tường Kinh Thánh, người ta đã phải thấu hiểu các nguyên ngữ nguyên bản của Kinh Thánh, thần học, lịch sử và khảo cổ học (Archaeology). Do đó, nếu không có những nhà chuyên môn trợ giúp, người ta có thể sẽ không hiểu hoặc hiểu Kinh Thánh cách sai lạc.
4. Quyền bính Ðức Giáo Hoàng
Tin Lành: Giáo hội thì vô hình, những giáo hữu của các giáo hội này chỉ có Chúa biết mà thôi. Ðứng đầu giáo hội là chính Chúa Kitô.
Công Giáo: Chỉ có một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền do Chúa Kitô khai sáng. Người đứng đầu hữu hình của giáo hội là vị Ðại Diện Chúa Kitô, kế vị thánh Phêrô, là Ðức Giáo Hoàng, là vị Giám Mục thành Roma.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây có nhiều anh em Tin Lành đã tỏ mối thán phục và cảm tình với các ÐHG đặc biệt là Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
5. Những giáo huấn của giáo hội
Tin Lành: Không công nhận giáo hội là một tổ chức thánh thiện có quyền giảng dạy. Ðối với họ, giáo hội chỉ là một tổ chức thân hữu của những người tin vào Chúa Kitô và cùng chia sẻ Lời Chúa.
Công Giáo (và các giáo hội Ðông Phương): Tin Mừng Cứu Rỗi đến với từng cá nhân qua giáo hội với sự bảo đảm không bị sai lầm mà không một Kitô hữu nào dám tự nhận.
6. Các bí tích
Tin Lành: Từ chối tất cả các bí tích, trừ phép Rửa Tội và nghi thức Tiệc Ly, nhưng họ giữ hai điều này vì vâng theo thánh ý Chúa mà thôi. Các phép thống hối (giải tội), thêm sức, truyền chức thánh, hôn phối, và sức dầu bệnh nhân chỉ được giữ như những nghi thức của giáo hội chứ không phải là bí tích.
Về nghi thức tiệc ly (chứ không phải thánh lễ), người Tin Lành từ chối ý nghĩa “của lễ Hi Sinh” và đặt Lời Chúa thành trọng tâm của việc thờ phượng. Vì giáo hội vô hình, lại không có thánh lễ và năm bí tích khác nên chức linh mục cũng trở nên không cần thiết. Tất cả các tín hữu đều là linh mục mà lễ Truyền Chức là phép Rửa Tội. Tuy nhiên, một số người đã được huấn luyện cách đặc biệt, trở thành mục sư để điều hợp cộng đoàn.
Công Giáo: Công nhận tất cả 7 bí tích do Chúa lập ra. Bí tích Thánh Thể gồm cả Lời Chúa, hiến tế hi sinh, và chia sẻ Mình Thánh, chứ không phải chỉ có Lời Chúa mà thôi. Mọi người cùng tham dự vào thiên chức linh mục của Chúa Kitô và là những phần tử của Nhiệm Thể của Ngài. Một số người được ơn gọi đặc biệt làm linh mục để cử hành Hiến Lễ Hi Sinh.
7. Sự Tiền Ðịnh (Predestination)
Tin Lành: Chúa đã chọn một số người vào Thiên Ðàng, còn những người khác bị vào hỏa ngục, dù có ăn ngay ở lành thế nào cũng không thể thay đổi được ý Chúa.
Công Giáo: Hoàn toàn không chấp nhận thuyết này, vì theo đó, con người không còn có lòng muốn tự do, ngược hẳn với tín lý.
Ngoài ra, người Tin Lành còn chối bỏ luyện tội, họ cho rằng sau khi chết, linh hồn hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống hỏa ngục mà thôi. Mọi lời cầu nguyện cho kẻ chết đều không có ích gì cả. Họ cũng hủy bỏ việc sùng kính Ðức Mẹ và các Thánh.
Trang: 1 2