Diễn Từ của ĐTC Phanxicô dành cho các Giáo Lý Viên tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý (03/10/2013) | Lượt xem: 5330 lượt
“Điều đầu tiên đối với một môn đệ là được ở với Thầy, lắng nghe Người, học hỏi từ Người. Và điều này phải luôn luôn, vì đó là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời!…Và đây là công việc của các giáo lý viên: liên tục thoát ra khỏi việc tự yêu mình, để làm nhân chứng cho Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu cùng rao giảng Chúa Giêsu.”
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ sáu ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Sảnh Đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến các các giáo lý viên hành hương về Rôma vào dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý
* * *
Các Giáo lý viên thân mến, chào anh chị em!
Tôi rất vui mừng có cuộc gặp gỡ với anh chị em trong năm đức tin này: dạy giáo lý là một trụ cột của việc giáo dục đức tin, và chúng ta cần phải có những giáo lý viên tốt! Cảm ơn anh chị em vì việc phục vụ cho Hội Thánh và trong Hội Thánh này. Mặc dù việc này đôi khi khó khăn, phải làm việc cực nhọc, dấn thân mà không thấy kết quả mong muốn, giáo dục đức tin là điều tuyệt đẹp! Và có lẽ di sản đạo đức tốt nhất chúng ta có thể cung cấp là đức tin! Giáo dục người ta trong đức tin, làm cho nó lớn lên. Giúp đỡ trẻ em, thiếu niên, thanh niên, người lớn mỗi ngày một biết và yêu mến Chúa hơn là một trong những cuộc phiêu lưu giáo dục đẹp nhất, điều đó xây dựng Hội Thánh! “Là” giáo lý viên! Đừng làm việc như là các giáo lý viên: điều này không cần thiết! Tôi làm việc như một giáo lý viên vì tôi thích dạy học… Nhưng nếu anh chị em không phải là giáo lý viên, thì điều đó không đi đến đâu! Anh chị em sẽ không sinh hoa trái! Anh chị em sẽ không sinh hoa trái! Giáo lý viên là một ơn gọi: “là một giáo lý viên,” chính là ơn gọi, đừng làm việc như giáo lý viên. Hãy chú ý, tôi không nói “làm” giáo lý viên, nhưng “là” giáo lý viên, bởi vì nó liên hệ đến đời sống. Nghĩa là dẫn người ta đến gặp gỡ Đức Kitô bằng lời nói và cuộc sống của mình, bằng việc làm nhân chứng. Hãy nhớ những gì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Hội Thánh không phát triển nhờ cải đạo. Hội Thánh phát triển nhờ sự thu hút.” Và điều thu hút người khác chính là việc làm chứng của chúng ta. Là một giáo lý viên có nghĩa là làm chứng cho đức tin; hãy trước sau như một trong cuộc sống của anh chị em. Và điều này không dễ dàng. Nó không dễ dàng! Chúng ta giúp đỡ họ, chúng ta đẫn họ đến gặp gỡ Đức Kitô trong lời nói và cuộc sống của mình, qua việc làm nhân chứng. Tôi muốn nhắc lại những lời Thánh Phanxicô Assisi nói với các huynh đệ của ngài: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng, và nếu cần thì bằng lời nói”. Những lời nói đến… nhưng việc làm nhân chứng đến trước: nếu người ta thấy được Tin Mừng trong đời sống chúng ta, thì họ có thể đọc Tin Mừng. Và việc “là” giáo lý viên đòi hỏi tình yêu, một tình yêu phải càng ngày càng khăng khít hơn với Đức Kitô, tình yêu đối với dân thánh của Người. Và tình yêu này không thể mua được trong các cửa tiệm, không thể mua được ngay cả ở đây, tại Roma. Tình yêu này đến từ Đức Kitô! Đó là một hồng ân của Đức Kitô! Đó là một món quà của Đức Kitô! Và nếu nó đến từ Đức Kitô, nó bắt đầu từ Đức Kitô và chúng ta phải bắt đầu lại từ Đức Kitô, từ tình yêu mà Người ban cho chúng ta. Bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa gì đối với một giáo lý viên, đối với anh chị em, đối với tôi, vì tôi cũng là một giáo lý viên? Điều này có nghĩa gì?
Tôi sẽ nói về ba điều: một, hai và ba, cũng như các tu sĩ Dòng Tên già … một, hai, ba!
1 . Trước hết, hãy bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa là có một sự thân mật với Người, có sự thân mật này với Chúa Giêsu: Chúa Giêsu một mực khuyên nhủ các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, khi Người chuẩn bị ban cho chúng ta món quà cao quý nhất của tình yêu, là hy tế Thập Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho, mà nói rằng: các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy tiếp tục gắn bó với Thầy, như một cành nho gắn liền với cây nho. Nếu chúng ta kết hợp với Chúa, chúng ta có thể trổ sinh hoa trái, và đó nghĩa là sự thân mật với Đức Kitô. Ở lại trong Chúa Giêsu! Đó là bám chặt vào Người, trong Người, với Người, truyện vãn với Người: ở lại trong Chúa Giêsu.
Điều đầu tiên đối với một môn đệ là được ở với Thầy, lắng nghe Người, học hỏi từ Người. Và điều này phải luôn luôn, vì đó là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời! Tôi nhớ lại nhiều lần trong giáo phận, là một giáo phận mà tôi đã có trước đây, tôi đã thấy vào cuối của khóa học của viện giáo lý, các giáo lý viên đi ra và nói: “Tôi có tước hiệu giáo lý viên.” Điều đó không có ích gì, anh chị em không có gì, anh chị em mới đi được một bước đường nhỏ! Ai sẽ giúp anh chị em? Nhưng có điều này luôn luôn đúng! Đó không phải là một tước hiệu mà là một thái độ: ở lại với Người, và kéo dài suốt đời! Có nghĩa là ở trong sự hiện diện của Chúa, và để cho Người nhìn ngắm chúng ta. Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em ở trong sự hiện diện của Chúa như thế nào? Khi anh chị em đến với Chúa, khi nhìn vào Nhà Tạm, anh chị em làm gì? Không dùng lời nói … “Nhưng tôi nói, tôi nói, tôi suy nghĩ, tôi suy niệm, tôi lắng nghe….” Rất tốt! Nhưng anh chị em có để cho Chúa nhìn ngắm anh chị em không? Chúng ta hãy để cho Chúa nhìn ngắm mình. Người nhìn chúng ta và đây chính là một cách cầu nguyện. Anh chị em có để cho Chúa nhìn ngắm mình không? Nhưng anh chị em làm thế nào? Hãy nhìn vào Nhà Tạm, và hãy để mình được Chúa nhìn … thật đơn giản! Điều này hơi nhàm chán, tôi ngủ gật … Cứ ngủ đi, cứ ngủ đi! Người vẫn sẽ nhìn ngắm anh chị em, Người vẫn sẽ nhìn ngắm anh chị em. Nhưng anh chị em chắc chắn rằng Người nhìn ngắm anh chị em! Và điều này quan trọng hơn nhiều so với tước hiệu giáo lý viên: đó là một phần của việc là một giáo lý viên. Điều này sưởi ấm tâm hồn tôi, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi, làm cho anh chị em cảm thấy rằng Người thực sự nhìn ngắm anh chị em, gần gũi và yêu thương anh chị em. Trong một chuyến thăm viếng của tôi ở đây tại Roma, vào lúc Thánh Lễ một người tương đối trẻ đến gần tôi và nói: “Chào cha, tôi rất vui mừng được gặp cha, nhưng tôi không tin gì cả! Tôi không có hồng ân đức tin.” Anh ta hiểu rằng đức tin là một món quà. “Tôi không có hồng ân đức tin! Cha sẽ nói gì với tôi đây?” “Đừng nản lòng. Người yêu bạn. Hãy để cho Người nhìn ngắm bạn! Đừng làm gì hơn.” Và tôi nói cùng điều đó với anh chị em: hãy để cho Chúa nhìn ngắm anh chị em! Tôi hiểu điều đó không đơn giản đối với anh chị em, đặc biệt là những người đã lập gia đình và có con, rất khó tìm ra thời gian lâu dài để yên tĩnh. Nhưng cảm tạ Chúa, không nhất thiết là tất cả mọi người đều phải làm cùng một cách; có nhiều ơn gọi và nhiều hình thức linh đạo trong Hội Thánh; điều quan trọng là phải tìm một cách thích hợp để ở lại với Chúa; và điều này có thể được, có thể được trong tất cả các bậc sống. Lúc này mỗi người có thể tự hỏi: Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu này? Đây là một câu hỏi mà tôi để lại cho anh chị em, “Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu, việc “nghỉ ngơi” trong Chúa Giêsu này?” Tôi có những giây phút ở trong sự hiện diện của Người, trong im lặng, hoặc để cho Người nhìn tôi không? Tôi có để cho lửa của Người sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, thì làm sao chúng ta, những tội nhân nghèo hèn, có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác? Hãy suy nghĩ về điều này!